Tuesday, August 13, 2013

Hoàn cảnh người Việt trên Xứ Chùa Tháp


Cảnh một khu phố người Việt mướn để tạm cư sinh sống ở Siem Reap
Hải ngoại - hai từ tiếng Việt gọi chung cho các nước không phải là Việt Nam. Với hai từ này, người dân chúng tôi thường có lòng thiện cảm. Hai từ đó đồng nghĩa với những người Việt Nam được sống trên một đất nước phát triển văn minh, với nền khoa học tiên tiến hiện đại, và tất nhiên là với một cuộc sống phong phú của loài người.
Có một nước cũng được coi là hải ngoại cho người Việt, nhưng nó lại nghèo nàn và lạc hậu nhất thế giới. Nếu như ai đó có thời gian qua đây, ghé thăm một vài khu vực sinh sống của họ chắc sẽ không cầm được nước mắt. Đó là Xứ Chùa Tháp - một đất nước núi liền núi sông liền sông với Việt Nam. Ở đây, người Việt lưu lạc phải sống chen chúc, chui rúc trong các căn nhà ổ chuột, với không khí ồn ào náo nhiệt của tiếng đùa giỡn của hàng trăm đứa trẻ không được đến trường. Tuy nhiên chúng vẫn vô tư nô đùa, chẳng biết gì về ngày mai, ngày sau lớn lên nó sẽ như thế nào? Cha mẹ chúng nó chỉ được làm những nghề như quét rác, thu lượm ve chai, cu ly, làm hồ, v.v… -- những nghề mà trong con mắt người đời thường bị coi thường, khinh khi. Tại sao người Việt trên đất nước Chùa Tháp này lại phải sống như vậy? Chỉ vì họ đã mất hết đi nhân quyền.
Thứ hai, bao đời nay người Việt trên đất nước Chùa Tháp có được đến trường đâu mà hiểu được thế nào là nhân quyền, văn minh khoa học.
Thứ ba, đa phần người Việt sang đất nước Chùa Tháp này không qua những thủ tục hợp pháp. Vì thế, họ như những đứa con không cha không mẹ mà thôi.
Thứ tư, chính quyền nhà nước sở tại còn chưa đủ sức lo cho dân của họ, thì lấy đâu mà lo cho hàng triệu người Việt nhập cư không giấy tờ. Bên cạnh đó nhà nước Việt Nam thì không có những chính sách, chương trình trợ giúp khéo léo và thiết thực, mà lại luôn theo dõi, kiểm soát, gây áp lực này kia lên người đồng hương. Và khổ không kém là phe đối lập thì luôn kỳ thị công khai và lớn tiếng đòi trục xuất họ khỏi xứ sở này.
Với hoàn cảnh khốn khó mà không có người chăm lo, hướng dẫn như thế thì làm sao họ yên ổn mần ăn?!! Cái nghèo cái đói, triền miên từ đời này qua kiếp nọ bám chặt lấy họ. Lời thốt “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác nước nhưng chung người Việt Nam mà!” có lẽ là phù hợp với hoàn cảnh của người Việt ở Xứ Chùa Tháp nơi đây.
Tôi viết bài này để người Việt Nam trên khắp thế giới, hãy vì dòng máu đỏ da vàng, con Lạc cháu Rồng, mỗi người của ít lòng nhiều, mở rộng vòng tay nhân ái giúp đỡ bà con mình đang lưu lạc nơi Xứ Chùa Tháp này bằng bất cứ hình thức nào có được, qua bất cứ hội từ thiện nào có duyên gặp được.
Những sự giúp đỡ từ bên ngoài, tuy không giải quyết được những khó khăn mà người Việt ở đây phải đối diện hàng ngày song ít nhất cũng là những nguồn ai ủi lớn lao trong tình đồng loại, nghĩa đồng bào.
Viết từ Siem Reap ngày 12 tháng 08 năm 2013
Nguyễn Duy Đường (Yi Doeur)
Hội R.H.I.O. tại Cambodia


No comments:

Post a Comment