Wednesday, September 18, 2013

Xin tiếp tục đồng hành với những đứa trẻ xấu số đáng thương này!


Chúng tôi những người Việt Nam sa cơ thất thế, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả đều chung mục đích: mong được thay đổi cuộc sống cho bản thân, gia đình vợ con, một tương lai được tốt đẹp hơn cho cái mà cuộc đời mỗi người đã từng gặp phải.
Rời quê cha đất tổ ra đi, ấm ức trong lòng bao nỗi đau... nỗi đau riêng, nỗi đau chung... như bao lần tôi đã từng than thở cùng bạn bè: Rời cánh tay mẹ cuộc đời con nó bơ vơ lắm, khi xung quanh con người ta sống hoàn toàn dựa trên đồng tiền và quyền lực, ước gì con có một đôi cánh, con sẽ bay về sà vào vòng tay mẹ, để rồi khóc nức nở, khóc đến lúc nào con không còn nước mắt nữa, lúc tỉnh dậy con sẽ được yêu được ghét, được hưởng tất cả những gì con ước mơ.

Thursday, September 12, 2013

RFA: Trường dạy 3 sinh ngữ, Việt, Anh và Khmer cho trẻ nghèo VN tại Seam Reap

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2013-09-12

Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
Trường Tín Nhân Quốc Tế ở Xã Diệu, thành phố Seam Reap
Trường Tín Nhân Quốc Tế ở Xã Diệu, thành phố Seam Reap
Rhio-school.net
Bồ Rây Siêng Năm thuộc ấp Kha Na, Xã Diệu, thành phố Seam Reap, chỉ cách khu đền cổ Angkor Wat nổi tiếng của Seam Reap khoảng 3 cây số, là một vùng nghèo có đông bà con lao động người Việt . Trẻ con Việt ở Bồ Rây Siêng Năm phần lớn thất học, cha mẹ thì không có giấy tờ hợp lệ nên không được coi là công dân Xứ Chùa Tháp.
Trường Tín Nhân Quốc Tế
Tháng Sáu vừa qua, một ngôi trường mới có tên Tín Nhân Quốc Tế bắt đầu mở lớp dạy chữ Việt, chữ Khmer và Anh ngữ vỡ lòng cho 45 trẻ em người Việt mọi lứa tuổi, gồm 23 nữ, 22 nam. Đây là những em có hoàn cảnh và điều kiện sống lam lũ, nghèo khó, cơ cực như cha mẹ của chúng.
Bỏ công bỏ của và đứng ra xin phép lập trường Tín Nhân Quốc Tế từ năm 2009 là một người Việt gốc Nghệ An, làm nghề xây dựng ở Bồ Rây Siêng Năm, ông Nguyễn Duy Đường, với sự trợ giúp của một viên chức chính phủ và một số luật sư ở Battambang, cùng sự ủng hộ tinh thần lẫn vật chất của ông Nguyễn Công Bằng, Việt kiều Mỹ.
Vượt qua rất nhiều khó khăn trở ngại từ giấy phép, mời thấy giáo và cô giáo, cho đến những vấn đề phải giải quyết quanh việc dựng một ngôi trường, tháng Năm 2012 trường được giấy phép khởi công, hoàn thành mấy tháng sau đó nhưng chỉ chính thức khai trường ngày 3 tháng Sáu năm nay:
Kẹt là thầy giáo cô giáo tiếng Việt hơi khó một chút, còn thầy giáo cô giáo người Kampuchia thì bên luật sư người ta bàn với bên Sở Giáo Dục cho thầy cô giáo bên trường Kampuchia qua tiếp dạy chữ Kampuchia. Cái này là có nhà nước Kampuchia cho phép đàng hoàng, thủ tục thì bên luật sư người ta chạy.
Một trường học cho vùng nghèo có nhiều người Việt ở Kampuchia không phải điều dễ dàng, phương chi trường đó do tư nhân lập ra. Từ sáu bảy năm nay, tại vùng Biển Hồ ở Seam Reap, đã có một trường học tiếng Việt do một đơn vị ở Việt Nam là Quân Khu 7 đảm trách với gần ba trăm học sinh người Việt. Thanh Trúc đã nhìn thấy trường này trong một lần đi công tác ở Biển Hồ năm 2006.
Vợ tôi cũng đồng ý là mình tự bỏ tiền ra trước, kết hợp với anh Bằng giúp bao nhiêu thì giúp. Ngay từ đầu, từ bữa 3 tây, là bắt đầu thực hiện luôn cho các em có buổi cơm trưa. Tôi cũng mừng là được vợ tôi hiểu ý, thông cảm và cố gắng hết sức mình
anh Nguyễn Duy Đường
Tại vùng Bồ Rây Siêng Năm ở dưới này của Seam Reap, anh Nguyễn Duy Đường kể, trước đó cũng đã có một trường khá lớn do Hội Việt Kiều, kết hợp với lãnh sự quán Việt Nam tại Battambang, xây lên sau khu chợ Bồ Rây Siêng Năm mà đến giờ vẫn chưa thấy hoạt động. Còn trường Tín Nhân Quốc Tế nằm trên đường số 10 của Bồ Rây Siêng Năm mở cửa được là vì:
Một lớp học của Trường Tín Nhân Quốc Tế ở Xã Diệu, thành phố Seam Reap. Rhio-school.net
Một lớp học của Trường Tín Nhân Quốc Tế ở Xã Diệu, thành phố Seam Reap. Rhio-school.net
Sau khi anh Bằng qua tham quan, biết tôi đã xin giấy phép rồi bàn ghế của tôi có sẵn hết mà tôi thực hiện không được vì không có tiền hàng tháng trả lương cho thầy cô quá nhiều cho nên anh Bằng thúc dục tôi cố gắng thực hiện rồi tiền thầy cô thì anh sẽ cố gắng tài trợ. Lúc đầu tính toán , vì mình làm nghề xây dựng làm sao hiểu bên trường học bao nhiêu, cho nên cách sắp xếp tổ chức nó bị quá tải, tức là chi phí hơi nặng hơn cái dự toán tất nhiều.
Thêm một phần nữa là các em ở xa khu vực, đi học buổi sáng mà trưa về, rồi chiều lại học rồi tối về, thì rất gặp khó khăn, cho nên anh Bằng cũng đặt vấn đề. Tôi về nói với vợ tôi thì vợ tôi nói rằng không có buổi cơm trưa thì cũng tội các em thiệt, khó khăn cho gia đình, đưa các em đi tới đi lui cả một vấn đề thời gian. Vợ tôi cũng đồng ý là mình tự bỏ tiền ra trước, kết hợp với anh Bằng giúp bao nhiêu thì giúp. Ngay từ đầu, từ bữa 3 tây, là bắt đầu thực hiện luôn cho các em có buổi cơm trưa. Tôi cũng mừng là được vợ tôi hiểu ý, thông cảm và cố gắng hết sức mình.
Trẻ em nghèo Việt Nam và những tệ nạn xã hội
Vẫn biết giáo dục không phải một sớm một chiều mà được vì đó là một công việc đòi hỏi thiện chí, sự liên tục, lòng kiên nhẫn và ý chí bền bỉ trong hoàn cảnh sống bất ưng qua ngày đoạn tháng của những người Việt trôi nỗi lên tận vùng Bồ Rây Siêng Năm của Seam Reap, anh Nguyễn Duy Đường chia sẻ tiếp, nhưng nếu không tạo điều kiện cho trẻ đi học thì chẳng khác nào tiếp tay hoặc làm ngơ cho những tệ đoan xã hội nảy sinh từ cái nghèo, cái khó và sự rãnh rỗi:
Không đi học thì các em sẽ vô công rỗi nghề, mà vô công rồi nghề thì đi lượm ve chai, lượm ve chai không có thì bắt đầu sinh ra ăn cắp vặt. Đây là một thực tế không thể dấu được mà chính quyền địa phương cũng không quan tâm tới, bởi vì là người Việt Nam cho nên người ta cho mình là những người ngoài sổ. Ở đất nước này nó đỡ một cái là nó thể hiện quyền tự do của con người chứ mà nó lại kẹt một vấn đề là không quản lý được tệ nạn xã hội chặt chẽ lắm.

Từ trái em Phụng 12 tuổi, em Tý 12 tuổi, em Min 7 tuổi và em Thu 14 tuổi
Từ trái em Phụng 12 tuổi, em Tý 12 tuổi, em Min 7 tuổi và em Thu 14 tuổi

Không đi học thì các em sẽ vô công rỗi nghề, mà vô công rồi nghề thì đi lượm ve chai, lượm ve chai không có thì bắt đầu sinh ra ăn cắp vặt. Đây là một thực tế không thể dấu được mà chính quyền địa phương cũng không quan tâm tới, bởi vì là người Việt Nam...
anh Nguyễn Duy Đường
Một số em thì ăn cắp vặt, một số em thì bị lạm dụng công sức, chưa đủ tuổi lao động vẫn phải đi làm kiếm ăn bởi cha mẹ nghèo, rồi có cả tình trạng là cha mẹ phải bán con mình ở đợ cho người ta giống thời phong kiến mà chị Dậu đi bán con vậy, tình trạng đó rất nhiều.
Một vấn đề lớn nữa là các em vừa đến tuổi vị thành niên là bị bán đi cho các điểm mãi dâm hoặc các quán cà phê. Các em nhỏ thiệt nhỏ thì tôi chưa biết, chứ cỡ 16, 17 tuổi là hầu hết các em đi vào các chỗ làm gái không, nói thẳng là vậy đó. Cái này thì mình rất xấu hổ, mình là người Việt Nam mà thấy con em Việt Nam làm những điều như vậy thì mình đau lòng cho bản thân mình rồi còn đau lòng cho các em nữa.
Seam Reap nói riêng và Kampuchia nói chung, dưới mắt anh Nguyễn Duy Đường, là một đất nước nghèo, người Việt không vốn liếng không chữ nghĩa sang đây tá túc thì cầm chắc là bị cái nghèo đói lạc hậu theo đuổi suốt đời:
Xứ này là một xứ nông nghiệp lạc hậu, công nghiệp thì không phát triển, nhà máy công xưởng không có mà chủ yếu là các ông chủ giàu có cất các công trình nhà cửa để bán hoặc là các nhà hàng khách sạn để kinh doanh. Các em đi làm mướn mà tuổi nhỏ thì, như tôi làm xây dựng mà tôi đâu dám mướn các em dưới 18 tuổi đâu bởi vì sẽ bị nhà nước nói là mình sử dụng người chưa đủ tuổi lao động, cho nên cũng rất khó khăn ở chỗ này, nhất là các em gái từ 16 đến 18 hầu hết bị dính vào quán cà phê, quán gái.
Rất nhiều cha mẹ khó khăn, không việc làm, nhà thì mướn, điện nước cũng phải trả. Tiếng cái nhà chứ đó là những tấm che, những miếng mủ hoặc những tấm liếp, che lại cho nó khỏi mưa khỏi gió khỏi nắng vậy thôi. Mưa xuống một hồi ngập thì trong nhà cũng như ngoài sân thôi, coi như cái sự ô nhiễm môi trường 100% luôn chứ đừng nói là chút đỉnh. Thực tế cuộc sống của người dân Việt ở đây, mà chính một số anh chị bên đó du lịch qua Angkor hoặc một số vùng khá khá chút vậy thôi, chứ mà đi sâu vào thực tế như anh Bằng là tôi dẫn đi các khu vực đó thì anh phải rớt nước mắt khi thấy cảnh dân mình phải sống như vậy.

Cảnh một khu phố người Việt mướn để tạm cư sinh sống ở Siem Reap
Cảnh một khu phố người Việt mướn để tạm cư sinh sống ở Siem Reap (Web Trường Tín Nhân Quốc Tế - Rhio-school. net)

Ở đó, Seam Reap, có Hội Việt Kiều là một tổ chức rất thân cận với lãnh sự quán Việt Nam tại Battambang, mà người Việt có thể trông chờ sự giúp đỡ:
Tôi cũng nói thiệt là Lãnh Sự Quán hay Đại Sứ Quán, có đủ điều kiện pháp luật trong tay, có quan hệ lớn với nhà nước, chỉ cần giúp cho dân Việt Nam đây hợp thức hóa vấn đề pháp lý tức là trở thành công dân thực sự, là tạo điều kiện cho họ trong cuộc sống. Nhưng mà các anh trong Lãnh Sự Quán cũng nói thẳng với tôi đó là việc lớn của nhà nước, không thể trả lời được.
Chính vì thế, anh Nguyễn Duy Đường khẳng định, khả năng trước mắt, tuy hạn hẹp nhưng cần thiết, là đưa các em đến trường để học cho có cái chữ. Với anh, giáo dục không phải là giải pháp nhất thời nhưng là cứu cánh cho tương lai, chỉ có chữ nghĩa và sự hiểu biết mới giúp trẻ nghèo ở Bồ Rây Siêng Năm nhìn xa, trông rộng và tìm cách vươn lên khỏi cuộc sống không có ngày mai:
Một vấn đề lớn nữa là các em vừa đến tuổi vị thành niên là bị bán đi cho các điểm mãi dâm hoặc các quán cà phê. Các em nhỏ thiệt nhỏ thì tôi chưa biết, chứ cỡ 16, 17 tuổi là hầu hết các em đi vào các chỗ làm gái...Cái này thì mình rất xấu hổ, mình là người Việt Nam mà
anh Nguyễn Duy Đường
Tức là trường này, bỏi vì tôi biết tôi sẽ nhận một số học sinh Việt Nam vào, mà phần nhiều học sinh Việt Nam không có giấy khai sanh hay giấy tờ gì hết, thì một cách là mình làm một cái hồ sơ giống như lý lịch của các em vậy. Nhờ đó mà các em bắt đầu vào học thì được sự chấp nhận của nhà nước giống như các trường nhà nước khác. Tức là học Lớp Một vẫn được giấy chứng nhận Lớp Một. Nhất là những em học chuyển cấp, đến Lớp Năm chẳng hạn, thì các em sẽ được giấy chứng nhận Lớp Năm. Không theo học trường này nữa thì từ Lớp Năm chuyển qua Lớp Sáu trường nhà nước thì các em sẵn sàng được vào các trường nhà nước khác. Đây là một cách tính toán đặng chuyển cho các em không giấy tờ vẫn vào học ở các trường nhà nước gần nhà trong tương lai. Nhưng mà trước mắt các em phải tham gia học trường này ít nhất cũng phải hết Lớp Năm thì mới có thể chuyển qua trường Cấp Hai để học ở trường nhà nước khác được.
Trong giai đoạn đầu, trường Tín Nhân Quốc Tế chỉ có trình độ Lớp Một tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Khmer cho tất cả các học sinh:
Tại vì nó không từng được đến trường, 10, 11, 12, 13 tuổi mà có đưa nào được đến trường đâu, thành ra nó cũng không biết nói chuyện sao hết, hỏi tới cha mẹ làm gì nhiều đưa cũng không biết. Bị cha mẹ có khi bỏ đi làm ăn xa, để lại cho ngoại nuôi thì cũng không biết cha mẹ tên gì, họ tên cũng không biết, nó khó ở chỗ đó.
Tôi đang tìm cách để hoàn thiện thủ tục, và khi mà các em học năm nay là Lớp Một, nhưng mấy năm nữa nó lên tới lớp mấy rồi thì phải có giấy tờ chứng nhận cho các em bởi vì hội của tụi tôi được cấp giấy phép ngang hàng với một trường nhà nước.
Học sinh trường Tín Nhân Quốc Tế
Điển hình như Thu, 14 tuổi, mồ côi mẹ, cha lấy vợ khác, dì ghẻ không cho em đi học:
Thu: Trường này sáng thứ Hai với thứ Ba học tiếng Anh với tiếng Miên
Thanh Trúc: Có học tiếng Việt không em?
Thu: Có, thứ Tư mới học. Em cũng vui tại từ hồi đó tới giờ đâu có đi học.
Thanh Trúc: Nếu như em không đi học, bây giờ em 14 tuổi, rồi lớn chút nữa thì em làm gì?
Thu: Đâu có làm gì đâu, chị bán cà phê thì làm tiếp bả, rửa chén, rửa ly, lau bàn tiếp bả. Chổ con đưa bằng con là nó đi học tiếng Miên không hà.
Thanh Trúc: Lớn lên em thích làm cái gì?
Thu: Lớn lên em thích làm ở công ty.
Chan Thu: Con tên là Chan Thu, con 12 tuổi, ba con làm thợ mộc, con có 5 chị em, má chết rồi. Ba con cho lại học ở đây tại ở đây có chữ Việt, chữ Miên với chữ Ang Lê, thấy cũng vui.
Thanh Trúc: Hồi trước em có học tiếng Việt rồi đánh vần tiếng Việt không?
Chan Thu: Không, tại ở đây không có ai dạy chữ Việt.
Thanh Trúc: Mấy anh chị lớn của Chan Thu làm cái gì?
Chan Thu: Chị con bán cà phê, anh của con làm thợ mộc với ba con. Ở trường này con học thấy vui tại ở đây có bạn nhiều.
Tý: Con tên Tý, 12 tuổi, con trai.
Thanh Trúc: Tên thiệt của Tý là gì?
Tý: Cũng tên Tý . Hồi lúc ông ngoại còn sống ông ngoại cho đi học, bây giờ ông ngoại chết bà ngoại cho ở nhà coi nhà.
Thanh Trúc: Tý có thích đi học không?
Tý: Thích, tại vì đi học nó vui, học rồi biết chữ với người ta.
Hòa: Con tên Hòa, 10 tuổi, học Lớp Một
Thanh Trúc: Sao 10 tuổi mà mới học Lớp Một vậy Hòa?
Hòa: Con không biết…
Bốn mươi lăm học sinh Việt trong trường Tín Nhân Quốc Tế được anh Nguyễn Duy Đường gọi một cách thân quí là 45 đứa con cùng màu da nước tóc với mình. Bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã trợ giúp mình dựng trường, anh thổ lộ:
Tôi quen sống cảnh nghèo, tôi là dân Nghệ An, xứ sở nghèo nhất của đất Việt mà ở đó người ta rất hiếu học, cho nên khi tôi thấy các em không được đến trường thì tôi đau lòng trước hết. Tôi lại chịu khó chịu cực theo phong cách của dân Nghệ, chắt chiu chịu khó để có điều kiện mà giúp đỡ cho các em này, kèm theo đó thì được anh Bằng, nhà tài trợ đầu tiên nhất của nhà trường, đã giúp tụi tôi hàng tháng đủ chi phí trả tiền lương thầy cô, rồi thêm một chút đỉnh tiền ăn, tạm thời chưa có điều kiện để cho các em ăn ngon:
Có điều kiện thì tôi sẽ mở rộng trường lên Cấp Hai rồi Cấp Ba rồi lên Đại Họ chẳng hạn. Bởi vì trường của tôi hiện nay nằm trong khu vực của Đại Học mà chính anh chủ khoa có đồng ý là tôi còn mở được một khoa bên trường đại học của ông nữa
anh Nguyễn Duy Đường
Những bữa ăn trưa ngon lành và đủ chất cho các cháu là ước mong của anh Đường, còn hiện tại chỉ là những buổi ăn cho khỏi xót dạ mà thôi. Chưa hết, một nỗi lo khác đang kéo tới, yêu cầu của Sở Giáo Dục cho các em mặc đồng phục:
Bên Sở Giáo Dục người ta đặt vấn đề đồng phục, nếu may cho mỗi em một bộ đồ, 45 em hết gần 1.000 đô nhưng tôi cũng chưa có ngân quĩ này, cũng cả một vấn đề khó khăn. Tôi không có bằng cấp của Kampuchia, không thể đứng làm hiệu trưởng được thì tôi phải sử dụng anh hiệu trưởng của trường Đại Học Angkor Bồ Rây qua làm hiệu trưởng bên đây thì cũng phải có thù lao cho anh .
Trước đây, lúc mới ra thì một cô dạy chữ Việt, một cô dạy chữ Kampuchia và một thầy dạy tiếng Anh. Sau đó tôi kiếm được một cô giáo vừa dạy tiếng Kampuchia vừa dạy tiếng Anh thì bớt được một chi phí. Dạy tiếng Việt thì vẫn một thầy người Việt Nam. Trong quá trình thực hiện thì thực sự mà nói tài chánh vẫn còn rất khó khăn.
Khó khăn và trở ngại mấy cũng không ngăn được giấc mơ cao mơ xa của người sáng lập trường Tín Nhân Quốc Tế, gọi theo tiếng Anh là Reliance Of Humanity International Organisation với ba ngôn ngữ được dạy:
Có điều kiện thì tôi sẽ mở rộng trường lên Cấp Hai rồi Cấp Ba rồi lên Đại Học chẳng hạn. Bởi vì trường của tôi hiện nay nằm trong khu vực của Đại Học mà chính anh chủ khoa có đồng ý là tôi còn mở được một khoa bên trường đại học của ông nữa. Cái này là cái thuận tiện cho tôi rất nhiều trong vấn đề phát triển ngành giáo dục cho con em mình.
Đó là câu chuyện về trường Tín Nhân Quốc Tế ở vùng Bồ Rây Siêng Năm của thành phố Seam Reap, tỉnh Seam Reap. Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi đến đây tạm ngưng. Thanh Trúc hẹn lại quí thính giả tối thứ Năm tuần tới.